Khởi nghĩa Bà Triệu và những dấu tích văn hóa trên vùng đất Hậu Lộc (Thanh Hóa)

NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI  
KHỞI NGHĨA BÀ TRIỆU VÀ NHỮNG DẤU TÍCH VĂN HÓA  
TRÊN VÙNG ĐẤT HẬU LỘC (THANH HÓA)  
NCS. Nguyễn Thị Thanh Nga1  
Tóm tắt: Năm 248, Bà Triệu đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy chống lại ách đô hộ của nhà  
Ngô. Dù chưa giành thắng lợi nhưng cuộc khởi nghĩa đã trở thành biểu tượng cho ý chí, khát  
vọng giành độc lập của dân tộc. Bài viết khái quát lại những nét tiêu biểu của cuộc khởi  
nghĩa Bà Triệu và những dấu ấn văn hóa trên vùng đất Hậu Lộc (Thanh Hóa) - nơi diễn ra  
những trận chiến oanh liệt, quả cảm của nghĩa quân Bà Triệu.  
Từ khóa: Bà Triệu; khởi nghĩa; đền thờ Bà Triệu; lễ hội lịch sử.  
Từ sau thất bại của An Dương Vương năm 179 TCN, lịch sử dân tộc bước vào hành  
trình gian khổ giành lại nền độc lập tự chủ. Mở đầu là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng  
năm 40, đánh đuổi quân Đông Hán, giành lại nền độc lập của dân tộc trong 3 năm. Sau đó  
khoảng 200 năm, từ mảnh đất xứ Thanh, Bà Triệu đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy khởi nghĩa,  
khiến cho “toàn thể Châu Giao đều chấn động”.  
1. Khởi nghĩa Bà Triệu - những tư liệu lịch sử  
Sau khi nhà Đông Hán (23 - 220) sụp đổ, vùng đất Giao Châu rơi vào sự cai trị của  
Đông Ngô. Dưới thời Ngô, chính sách vơ vét bóc lột, cai trị hà khắc ngày càng tàn bạo. Chính  
quyền đô hộ của nhà Ngô thi hành chính sách nhất quán “lấy binh uy mà ức hiếp”, “chính  
hình bạo ngược, phú liễm không biết thế nào là cùng”, khiến cho trăm họ Giao Châu căm  
phẫn và nổi dậy chống lại. Cuộc khởi nghĩa do Bà Triệu lãnh đạo nổ ra vào năm 248 từ miền  
núi Nưa huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá tiêu biểu cho toàn bộ phong trào đấu tranh chống  
lại ách đô hộ của nhà Ngô.  
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép về sự kiện này ngắn gọn: Vào năm Mậu Thìn (248)  
“Người Cửu Chân lại đánh hãm thành ấp, châu quận rối động. Ngô Vương cho Hành Dương  
đốc quân đô úy Lục Dận làm Thứ sử kiêm hiệu uý. Dận đến nơi, lấy ân đức tín nghĩa hiểu dụ,  
dân ra hàng phục đến hơn 3 vạn nhà, trong châu lại yên. Sau người con gái ở quận Cửu Chân  
là Triệu Ẩu tập hợp dân chúng đánh chiếm các quận huyện (Ẩu vú dài 3 thước, vắt ra sau  
lưng, thường ngồi trên đầu voi đánh nhau với giặc). Dận dẹp yên được. (Sách Giao Chỉ chí  
chép: Trong núi ở quận Cửu Chân có người con gái họ Triệu, vú dài 3 thước, không lấy  
chồng, họp đảng cướp bóc các quận, huyện, thường mặc áo ngắn màu vàng, chân đi giày mũi  
cong, ngồi đầu voi mà chiến đấu, sau chết làm thần)”2.  
Theo thần tích và tư liệu dân gian, Bà Triệu Ẩu (Triệu Thị Trinh, Triệu Trinh Nương)  
sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (226) tại vùng đất Quân Yên (nay là làng Cẩm Trướng,  
xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá). Cha mẹ bà mất sớm, bà ở với anh trai Triệu  
Quốc Đạt là một huyện lệnh có thế lực trong vùng Cửu Chân. Từ nhỏ bà vốn ham thích luyện  
1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Liên kết, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa  
2 Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Bản in nội các quan bản, Nxb Khoa học Xã hội, 2004, tr 167 - 168.  
55  
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI  
tập võ nghệ như bậc nam nhi nên có võ nghệ cao cường. Triệu Trinh Nương có sở thích vào  
rừng săn thú dữ, trợ giúp kẻ yếu, căm giận cảnh bất bình trong thiên hạ, bởi vậy được dân  
làng thương yêu.  
Sách Việt Nam sử lược chép: “đến độ 20 tuổi gặp phải người chị dâu ác nghiệt, bà ấy  
giết đi rồi vào ở trong núi. Bà ấy là một người có sức mạnh, lại có chí khí và lắm mưu lược.  
Khi vào ở trong núi chiêu mộ hơn 1.000 tráng sĩ để làm thủ hạ. Anh thấy thế mới can mà, thì  
bà bảo rằng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở bể  
Đông, quét sạch bờ cõi, để cứu dân ra khỏi nới đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người  
đời cúi đầu cong lưng để làm tỳ thiếp người ta”3. Người anh trai của bà trước hành động nghĩa  
cả của em gái cũng đã đồng tình ủng hộ và tham gia khởi nghĩa. Người dân Cửu Chân ứng  
nghĩa mỗi ngày một đông và tôn bà lên làm chủ soái. Từ Quân Yên, Bà Triệu đã tổ chức cho  
nghĩa quân vượt sông Chu đến vùng núi Nưa4 xây dựng căn cứ. Nhân dân khắp nơi theo  
gương Bà Triệu đã nổi dậy khởi nghĩa, tham gia vào phong trào, biến núi Nưa thành căn cứ  
vững mạnh của nghĩa quân.  
Rừng rậm Ngàn Nưa với đỉnh núi thiêng sừng sững, đèo dốc quanh co, sông suối hiểm  
trở là bức thành lũy tự nhiên bao bọc và bảo vệ cho nghĩa quân và nhân dân trước nguy cơ các  
cuộc tấn công của giặc Ngô. Trên đỉnh ngàn Nưa thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn có di  
tích lịch sử danh lam thắng cảnh quốc gia động Am Tiêm và nhiều địa danh về khởi nghĩa Bà  
Triệu như: ao Hóp - nơi lấy nước sinh hoạt cho nghĩa quân, bùng Cổ Ngựa - nơi ngựa của  
nghĩa quân uống nước và tắm; bãi Áng - nơi luyện tập võ nghệ của nghĩa quân, Bờ Đồn - đồn  
canh gác của nghĩa quân, gò Đồng Thóc - nơi để kho thóc của nghĩa quân, bùng Voi đằm -  
nơi tắm của voi Bà Triệu… Với tất cả những chứng tích vật chất và sự đậm đặc của truyền  
thuyết liên quan đến Bà Triệu và cuộc khởi nghĩa cho biết, đây là căn cứ ban đầu của cuộc  
khởi nghĩa5.  
Đầu năm 248, từ núi Nưa, nghĩa quân tiến xuống bao vây và tấn công thành Tư Phố,  
tiêu diệt chính quyền đô hộ của nhà Ngô ở quận Cửu Chân. Theo nguồn tư liệu địa phương,  
được sự giúp đỡ của ba anh em họ Lý thôn Phú Điền (nay là xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc,  
Thanh Hoá), Bà Triệu đã kéo đại quân về xây dựng căn cứ tại vùng núi Tùng thuộc Phú Điền  
(Hậu Lộc)6. Đây là một thung lũng nhỏ nằm giữa hai dãy núi đá vôi thấp, chạy thông ra sông  
lớn, lại ở gần biển, gần cửa ngõ từ đồng bằng miền Bắc vào xứ Thanh, là một vị trí hiểm yếu  
tiện lợi cho cả tiến công lẫn phòng thủ.  
Tại Phú Điền, nghĩa quân đã xây dựng một hệ thống đồn luỹ, quân doanh mà nhiều địa  
danh ghi dấu hoạt động của nghĩa quân Bà Triệu vẫn còn được lưu lại cho đến ngày nay.  
Nhiều cuộc đụng độ giữa nghĩa quân Bà Triệu với quân Ngô đã diễn ra ngay trên đất Phú  
Điền. Lực lượng khởi nghĩa phát triển nhanh chóng, đánh thắng quân Ngô nhiều trận, triệt hạ  
3 Trần Trọng Kim (1999), Việt Nam sử lược, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr 55.  
4
Núi Nưa là dãy núi cuối cùng về phía Đông của mạch núi bắt nguồn từ Tây Hiếu (Nghệ An), qua huyện Như  
Xuân, Như Thanh (Thanh Hóa) đổ về trên đất Triệu Sơn và Nông Cống. Đây là một trong những dãy núi cao  
nhất trong khu vực đồng bằng tỉnh Thanh Hóa.  
5 Huyện ủy Yên Định (2010), Địa chí huyện Yên Định, Nxb Khoa học Xã hội, tr 185.  
6 Địa chí Thanh Hoá, tập I, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội 2000, tr 571 - 576.  
56  
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI  
nhiều thành ấp. Quan lại của nhà Ngô từ thái thú đến huyện lệnh, huyện trưởng, kẻ bị giết,  
kẻ chạy trốn. Từ Cửu Chân, cuộc khởi nghĩa lan ra Giao Chỉ ở ngoài Bắc, giết chết thứ sử  
châu Giao. Khí thế cuộc khởi nghĩa đã chấn động cả Giao Châu đúng như sự thú nhận của  
sử nhà Ngô7.  
Đứng trước nguy cơ tan rã của chính quyền đô hộ ở châu Giao, triều Ngô phải cử viên  
danh tướng Lục Dận làm thứ sử Giao Châu, An Nam hiệu uý, đem khoảng 8.000 quân cùng  
với lâu thuyền tiến sang Giao Châu đàn áp cuộc khởi nghĩa. Lục Dận đã kết hợp dùng binh  
lực uy hiếp với dùng mưu mô dụ dỗ và của cải để mua chuộc. Sau một thời gian, một số thủ  
lĩnh của Giao Châu đã quy thuận nhà Ngô, nghĩa quân của Bà Triệu bị rơi vào tình trạng cô  
lập, khó khăn trong việc mở rộng địa bàn hoạt động. Tiếp đó, Lục Dận đã huy động lực lượng  
tấn công vào quận Cửu Chân theo hai hướng: một mũi qua cửa biển Thần Phù tiến vào hành  
lang Hoàng Cương - Chính Đại - Bạch Ác đồng thời ngược sông Lèn bao vây nghĩa quân từ  
phía Bắc, một mũi vào cửa Sung (sông Mã) cửa biển Lạch Trường đánh vòng vào Bồ Điền từ  
phía nam8.  
Trước tình thế đó, Bà Triệu đã chủ động tổ chức lực lượng đón đánh quân xâm lược.  
Tương truyền Bà Triệu đã có đến trên ba mươi trận chạm trán với quân Ngô, nhưng không  
giành được thắng lợi. Tuy thế, những cuộc đụng độ đầu tiên này cũng đã đủ làm cho quân  
Ngô kinh hoàng, khiếp đảm mỗi khi nghe tiếng Bà Triệu. “Hoành qua đương hổ dị, đối diện  
Bà Vương nan” (múa ngang ngọn giáo chống hùm thì dễ mà đối mặt với Vua Bà thì thật khó  
vô cùng), là tâm trạng chung của binh lính Ngô khi ấy.  
Cũng vẫn theo truyền thuyết, Lục Dận khi đã phát hiện ra người cầm đầu của cuộc khởi  
nghĩa là một phụ nữ trong trắng tuổi mới ngoài đôi mươi, đã sử dụng những biện pháp hèn hạ  
và nhơ bẩn để sát hại Bà. Bà Triệu đã hy sinh anh dũng trên núi Tùng ở Phú Điền, Hậu Lộc,  
Thanh Hoá.  
Cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu thất bại, nhưng những tướng lĩnh của Bà vẫn tiếp tục cầm  
quân chiến đấu. Phong trào đấu tranh chống lại ách đô hộ của nhà Ngô vẫn diễn ra dưới nhiều  
hình thức ở khắp các địa phương khiến cho bọn quan lại đô hộ nhà Ngô đứng ngồi không yên.  
2. Những dấu tích văn hóa về khởi nghĩa Bà Triệu trên vùng đất Hậu Lộc  
Hiện nay, ở nhiều nơi trên vùng đất xứ Thanh vẫn còn những dấu tích văn hóa liên  
quan đến Bà Triệu và cuộc khởi nghĩa. Có thể kể đến như khu di tích Nghè Trúc nơi phối  
thờ Bà Triệu thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định - quê hương của Bà, di tích lịch sử Am  
Tiên nằm trên đỉnh núi Nưa thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn - tương truyền là nơi nghĩa  
quân Bà Triệu cất giấu vũ khí, lương thực và rèn luyện binh đao…  
Ở huyện Hậu Lộc, để tưởng nhớ công lao của Bà Triệu và nghĩa quân, từ rất sớm, nhân  
dân đã xây dựng đền Bà Triệu ở trên núi Gai, lăng của Bà ở núi Tùng và đình làng Bà Triệu ở  
làng Phú Điền.  
7 Phan Huy Lê (cb) (2012), Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb Giáo dục, tr 402 - 403.  
8 Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa, Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Khu di tích lịch sử kiến  
trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu, Nxb Thanh Hóa, tr 20 - 21.  
57  
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI  
2.1. Những dấu tích văn hóa vật thể  
* Đền Bà Triệu  
Đền Bà Triệu được xây dựng bằng tranh tre dưới chân núi Gai ngay sau khi Bà hy sinh.  
Khoảng 300 năm sau, khi Lý Nam Đế đi đánh giặc Lâm Ấp xâm chiếm bờ cõi phương Nam,  
đi qua đền thờ đã khẩn cầu, mong bà phù hộ.Khi chiến thắng trở về, vua Lý Nam Đế đã dừng  
chân ở đền tạ ơn vong linh của vị Nữ tướng. Để tỏ lòng thành, nhà vua đã cấp kinh phí cho  
dân làng Bồ Điền mở rộng, tu sửa đền thờ thêm đẹp và tôn hiệu Bà là Bậc chính anh hùng tài  
chính nhất phu nhân. Thời Lê Trung Hưng, đền bị hư hỏng, đến thời nhà Nguyễn đền được tu  
sửa lại. Lần gần đây nhất đền được trùng tu, tôn tạo vào năm 20089.  
Ngôi đền được xây dựng theo kiến trúc nội công ngoại quốc hướng về phía Bắc. Hệ  
thống thờ trong đền được sắp xếp theo quy luật thờ anh hùng dân tộc. Hậu cung là công trình  
có địa thế cao nhất, dựa lưng vững chãi vào núi Gai. Các công trình của đền được quy hoạch  
hài hòa trong vùng cảnh quan của vùng đất cổ Phú Điền, tạo nên quang cảnh linh thiêng và  
tuyệt đẹp.  
Không gian khu di tích gồm có các hạng mục theo thứ tự từ ngoài vào trong gồm: Nghi  
môn ngoại (Cổng Ngoại), Hồ sen hình chữ nhật, Bình phong, Nghi môn trung (Cổng Trung),  
Sân dưới, Nghi môn nội, Sân trên (hai bên là nhà Tả Hữu Mạc), Tiền đường, Sân thượng,  
Trung đường, Sân thiên tỉnh, Hậu cung.  
Ngoài ngôi đền chính, còn một số công trình phụ cận có liên quan:  
* Khu lăng mộ Bà Triệu: cách đền Bà Triệu 500 m về phía Tây là khu lăng mộ Bà  
Triệu. Khu lăng mộ nằm trên đỉnh núi Tùng với đường lên gồm 315 bậc bằng đá tự nhiên.  
Lăng được cấu trúc theo kiểu dáng hình trụ đứng (tứ giác) nhỏ dần về phía đỉnh gồm 2 tầng  
mái. Mộ được xây dựng với cấu trúc vuông bốn mặt và mở cửa hình vòm ra 4 phía. Phần tháp  
chúa có cấu trúc hình trụ vuông bốn mặt làm bằng đá tảng nguyên khối.  
* Mộ ba anh em họ Lý: Ba người anh em họ Lý là những dũng tướng của Bà Triệu. Sau  
khi chủ tướng tuẫn tiết, ba ông đã bàn nhau cùng hy sinh để tránh rơi vào tay giặc. Tương  
truyền, ba ngôi mộ được mối bao thành khu mộ thiêng. Khu mộ 3 ông nằm sát chân núi  
Tùng, hiện đã được trùng tu, tôn tạo khang trang với cổng mộ được ydựng theo kiểu tứ trụ  
bằng đá xanh nguyên khối, cũng là cổng vào để lên khu lăng mộ Bà Triệu ở trên núi Tùng.  
Khuôn viên của 3 khu mộ ba ông tướng họ Lý, nằm trong một không gian được xây tường  
bảo vệ với ba ngôi mộ được phân bố thành hàng ngang.  
* Miếu bàn thề: Tương truyền đây là khu vực ba anh em họ Lý tổ chức làm lễ cáo yết  
trời đất, thề đi theo nghĩa quân của Bà Triệu để đánh đuổi giặc Ngô. Miếu thờ được xây dựng  
theo hình thức lộ thiên, nằm trên cánh đồng Đồng Bảng của làng Phú Điền.  
* Đền Đệ tứ: Đền tọa lạc hướng Đông gần khu vực núi Eo của làng Phú Điền nên còn  
gọi là Nghè Eo. Căn cứ vào các dấu tích, lối kiến trúc và các bức họa được vẽ trên tường, các  
nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa - kiến trúc cho biết đây là công trình được xây dựng dưới  
thời nhà Nguyễn. Tuy nhiên, một đạo sắc còn lưu tại đền có niên đại vào năm Cảnh Thịnh  
9
Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa, Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Khu di tích lịch sử kiến  
trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu, sđd, tr 24.  
58  
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI  
thứ 5 (1797) cho biết dưới thời Tây Sơn việc phong sắc của triều đình phong kiến đã diễn ra,  
do đó, việc xây dựng đền có thể đã được khởi dựng từ thế kỉ XVIII.  
2.2. Những dấu tích văn hóa phi vật thể  
* Lễ hội đền Bà Triệu  
Để tưởng nhớ công lao của Bà Triệu và nghĩa quân, vào tháng 2 âm lịch hàng năm,  
nhân dân khắp nơi trong vùng lại tổ chức lễ hội để ghi nhớ công lao của Bà. Cấp độ lễ hội  
được quy định: 5 năm tổ chức một lần với quy mô cấp tỉnh và vào năm chẵn, còn hàng năm  
lễ hội vẫn diễn ra với quy mô cấp huyện được tổ chức vào chính ngày giỗ của Bà.  
Lễ hội diễn ra theo quy trình đền - lăng - đình. Tại đền chính tổ chức chủ yếu các tế lễ  
như: rước kiệu, tế quan nữ. Ngoài các nghi thức chính còn có lễ Mộc dục, lễ Phụng Nghinh.  
Trong lễ hội Bà Triệu rước bóng được đánh giá là nét độc đáo nhất, đồng thời là một nghi  
thức quan trọng. Trên kiệu Vua Bà người dân chuẩn bị một bát hương cùng với một hộp tư  
trang, một đĩa trầu cau têm đẹp. Nhân dân trong làng chọn 8 chàng trai khỏe mạnh để khênh  
kiệu. Các chàng trai đều mặc áo đỏ cộc tay, thắt lưng màu đỏ, chít khăn đỏ, quần trắng và đi  
chân đất. Người chủ tế đi dưới gầm kiệu. Tiếp ngay sau kiệu Bà chính là kiệu song loan, trên  
kiệu có áo chầu và những hộp đựng sắc phong. Kiệu song loan cũng có 8 người khiêng.  
Trình tự: đi đầu là một hương án cùng 2 người vác lọng che, trên kiệu có bát hương,  
trầu cau, hoa quả. Sau hương án là phường bát âm cử nhạc lưu thủy, có trống, chiêng và 32  
người thực hiện các nhiệm vụ vác gươm, vác bát bửu, dùi đồng. Đoàn người vác cờ hội, kiệu  
song loan cho đến những người đi cùng đoàn đều ăn mặc chỉnh tề.  
Hành trình: đi từ đền chính đến lăng. Khi đến lăng, kiệu được đặt trên giá đỡ và làm  
nghi thức khấn đức Bà. Đoàn cử hành về đình làng Phú Điền, kiệu, bát hương bóng Bà đặt  
giữa đình và tiếp tục tế lễ một ngày một đêm. Các lễ tế gồm: tế yên vị, tế tam sanh. Sau cùng,  
đoàn rước tế theo lộ trình về đền chính để làm lễ10.  
Cũng như bất cứ lễ hội nào, ngoài phần lễ có phần hội. Đối với lễ hội Bà Triệu, trong  
phần hội không có trò diễn dân gian. Chỉ có hội trận tại sân đình làng Phú Điền với cảnh  
“Ngô - Triệu giao quân”, mô tả lại trận đánh của nghĩa quân Bà Triệu với quân Ngô giữa trai  
tráng của xóm trên (phía bắc) và xóm dưới (phía nam). Cuộc tập trận diễn ra từ sáng đến trưa,  
rồi tất cả hòa vào nhau để đi rước kiệu Bà.  
Thêm một tục lệ nữa, trong ngày hôm đó, cả làng đều ăn nguội (ăn thức ăn nấu sẵn từ  
hôm trước), để đến chiều mới nấu nướng linh đình. Các cụ giải thích rằng ra đánh trận là phải  
ăn lương khô, đến khi khải hoàn mới mở tiệc ăn mừng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây,  
trò diễn “Ngô - Triệu giao quân” đã bị xóa bỏ. Một số quy tắc rườm rà của tế lễ được chọn  
lọc, rút ngắn...  
Ngoài các hoạt động truyền thống vốn có, lễ hội đền Bà Triệu còn có thêm nhiều nội  
dung phong phú như: thi đấu vật, leo dây, thổi cơm thi, đánh cờ tướng, văn nghệ quần chúng,  
thi nấu ăn, thi đấu các môn thể thao (bóng chuyền, bóng đá)...  
10 Lý lịch khu di tích đền Bà Triệu, hồ sơ lưu tại phòng Văn hóa huyện Hậu Lộc.  
59  
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI  
* Một số thần tích, truyền thuyết liên quan đến Bà Triệu và cuộc khởi nghĩa  
Thần tích đang lưu giữ tại đình Phú Điền viết rằng: sau khi giao chiến nhiều trận bất  
phân thắng bại, quân giặc biết Triệu Trinh Nương là người con gái “ái khiết úy ố” (yêu sự  
trong sạch, sợ sự nhơ bẩn) nên liền lập mưu kế cho quân lính khỏa thân giao chiến. Triệu  
Trinh Nương vô cùng xấu hổ phải lui quân về bản doanh trang Bồ Điền và lập đàn cầu đảo.  
Bỗng đâu trời nổi cơn giông gió, mây đen kéo đến, Triệu Trinh Nương liền rời khỏi mình voi  
mà hóa tại vùng đất Hối Sơn vào ngày 22 tháng 2 năm 248. Một lúc sau trời sáng dần, khi đó  
3 ông tướng họ Lý và nhân dân đến xem sự tình, bỗng thấy côn trùng bao thành mộ thiêng.  
Từ đó đã đặt tên là Hối Sơn thần. Sau đó ba ông tướng họ Lý bàn với nhau rằng: Anh em ta  
có tài là do trời phú, nay trời đã không cùng ta để đến nỗi như thế này. Quân không có tướng  
như hổ không đầu, có sống thì biết dựa vào đâu? Sao bằng lập đàn cầu đảo trời đất để cùng  
chết. Vừa cầu đảo xong, bỗng thấy trên trời có đám mây lành giáng xuống đàn cầu đảo, ba  
ông cho đó là chuyện lạ, trong khoảnh khắc tự nhiên ba ông cùng hóa (tức là ngày mồng 6  
tháng 3).  
Truyền thuyết về chiến thuyền giặc bị vùi xác: Nhân dân địa phương cho biết, trước đây  
có một nhánh của sông Mã chảy từ đầm Hàn về cửa biển Lạch Trường. Đó như là âu thuyền  
tự nhiên do quân của Lục Dận chiếm giữ, thuyền nhiều đến nỗi không ai có thể đếm xuể. Có  
một chàng trai đã lấy trộm ngựa chiến của giặc và chạy về Bồ Điền xin gia nhập nghĩa quân  
Bà Triệu. Trong một trận thủy chiến với giặc trên sông, chàng trai ấy đã dũng cảm hy sinh.  
Quân giặc đang hò reo ăn mừng, thì bỗng trời đất tối mịt - nổi cơn giông gió, tất cả núi đá,  
rừng cây đều ầm ầm đổ xuống lấp cạn dòng sông, hàng ngàn chiến thuyền và xác giặc đã bị  
vùi dưới đáy sông11.  
Những truyền thuyết trên đã cho thấy tấm lòng yêu mến, ngưỡng mộ của nhân dân với  
Bà Triệu và cuộc khởi nghĩa.  
3. Giá trị của khởi nghĩa Bà Triệu và khu di tích đền Bà Triệu  
Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu tuy thất bại, nhưng đã tạo nên mốc son sáng chói trong lịch  
sử chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí  
hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc ta và người xứ Thanh.  
Ngày nay, những dấu tích văn hóa vật thể và phi vật thể về cuộc khởi nghĩa Bà Triệu  
trên vùng đất Hậu Lộc thực sự trở thành gạch nối giữa hiện tại và quá khứ. Đó là chứng tích  
về một thời kì hào hùng của ông cha, để con cháu hôm nay và mai sau luôn tự hào. Có thể  
nói, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu di tích Bà Triệu là tài sản văn hóa vô  
giá của nhân dân Thanh Hóa nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.  
Cũng chính bởi vậy, việc phát huy giá trị của cụm di tích đền Bà Triệu với đền thờ Bà,  
khu lăng mộ Bà Triệu và ba anh em họ Lý, đình làng Phú Điền, đền Đệ Tứ, miếu Bàn thề có  
vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng  
cây”, truyền thống đấu tranh cách mạng, những giá trị nhân văn sâu sắc... cho nhân dân. Vấn  
đề quan trọng đặt ra cho các cấp chính quyền và cộng đồng là cần phát huy hơn nữa giá trị  
11  
Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa, Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Khu di tích lịch sử kiến  
trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu, sđd, tr 22 - 23.  
60  
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI  
của cụm di tích trong khai thác du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh. Trải qua thời gian, đặc  
biệt từ năm 2005, nhà nước và nhân dân đã đầu tư nhiều tâm sức và tiền của để phục dựng, tu  
bổ cụm di tích và lễ hội đền bà Triệu, xứng đáng với vị thế của khu di tích và đáp ứng nguyện  
vọng của người dân. Năm 2014, Thủ tướng chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích quốc gia  
đặc biệt cho khu di tích Bà Triệu.  
Tài liệu tham khảo chính  
[1]. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Bản in nội các quan bản, Nxb Khoa học Xã hội, 2004.  
[2]. Trần Trọng Kim (1999),Việt Nam sử lược, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.  
[3]. Huyện ủy Yên Định (2010), Địa chí huyện Yên Định, Nxb Khoa học Xã hội.  
[4]. Địa chí Thanh Hoá, tập 1, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội 2000.  
[5]. Phan Huy Lê (cb) (2012), Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb Giáo dục.  
[6]. Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa, Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh  
và Khu di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu, Nxb Thanh Hóa.  
[7]. Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Thanh Hóa (2000), Di tích và Danh thắng Thanh Hóa, tập  
1, Nxb Thanh Hóa.  
[8]. Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Thanh Hóa (2002), Di tích và Danh thắng Thanh Hóa, tập  
2, Nxb Thanh Hóa.  
[9]. Báo cáo hoạt động của khu di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà  
Triệu từ năm 2008 đến năm 2018, tài liệu lưu tại Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa.  
[10]. Bảo tàng Thanh Hóa, lịch di tích đình làng Phú Điền xã Triệu Lộc, huyện Hậu  
Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Thanh Hóa, tháng 10/1995.  
[11]. Ban Quản lý di tích và Danh thắng Thanh Hóa (2009), Lễ hội xứ Thanh, Nxb Văn  
hóa Dân tộc, Hà Nội.  
LADY TRIEU’S UPRISING AND CULTURAL IMPRINTS  
IN THANH HOA  
Nguyen Thi Thanh Nga, Ph.D student  
Abstract: In 248, Ba Trieu led the uprising against the domination of Chinese Ngo  
invaders. Although the uprising had not won yet, the uprising became a symbol of the nation's  
will and desire for independence. The article summarizes the typical features of Lady Trieu’s  
uprising and the cultural imprints in Hau Loc (Thanh Hoa) - where the fierce and brave  
battles of Lady Trieu and her insurgents took place.  
Keywords: Lady Trieu; uprising; Lady Trieu temple;  
Người phản biện: TS. Lê Thị Thảo (ngày nhận bài 07/6/2019; ngày gửi phản biện  
10/6/2019; ngày duyệt đăng 30/9/2019).  
61  
pdf 7 trang yennguyen 21/04/2022 800
Bạn đang xem tài liệu "Khởi nghĩa Bà Triệu và những dấu tích văn hóa trên vùng đất Hậu Lộc (Thanh Hóa)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

File đính kèm:

  • pdfkhoi_nghia_ba_trieu_va_nhung_dau_tich_van_hoa_tren_vung_dat.pdf