Truyền thuyết và lịch sử trong nghiên cứu văn hóa dân gian

TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU  
TRUYỀN THUYẾT VÀ LỊCH SỬ TRONG NGHIÊN CỨU  
VĂN HÓA DÂN GIAN  
PGS.TS. Bùi Quang Thanh1  
Tóm tắt: Trong nghiên cứu văn hóa dân gian, một vấn đề thường hay gặp là  
phải tách biệt rạch ròi giữa truyền thuyết và lịch sử. Chúng ta đã thống nhất nhìn nhận  
rằng, thực tế truyền thuyết không phải là lịch sử, nhưng đâu đó sự đồng nhất và nhầm  
lẫn vẫn thường không tránh khỏi. Vậy là, cả lý thuyết lẫn thực tế đều cùng đặt ra yêu  
cầu bức thiết cho người nghiên cứu là phải tiếp tục phân biệt rõ ràng truyền thuyết và  
lịch sử. Câu hỏi được đặt ra, giữa chúng có những mối liên hệ nào? Đối tượng phản  
ánh, cách thức thể hiện và nguyên lý sáng tạo của chúng có gì khác nhau? Xem xét mối  
quan hệ giữa truyền thuyết và lịch sử trong nghiên cứu văn hóa dân gian là để xác  
minh, lý giải sự gắn bó đặc biệt của hai thể tài quen thuộc này.  
Từ khóa: Truyền thuyết, văn học dân gian, văn hóa dân gian, lịch sử, dân tộc…  
Có một điều dễ làm cho nhà nghiên cứu văn học dân gian thân thiết với nhà  
nghiên cứu lịch sử: ấy là mối quan hệ mật thiết giữa truyền thuyết dân gian với những  
chặng đường lịch sử của dân tộc. Đã nhiều nghìn năm rồi, truyền thuyết dân gian cứ vậy  
nảy sinh, lưu truyền và được ấp ủ như một lẽ tự nhiên, một niềm tin không đổi của  
người dân lao động Việt Nam. Đem đồ truyền thuyết lên “mặt bằng” lịch sử, người  
nghiên cứu lại bắt gặp nhiều điều lý thú. Công việc tưởng như máy móc nhưng lại có  
tính khoa học đó đã giúp chúng ta khám phá ra nhiều giá trị. Truyền thuyết gắn sâu với  
“những điều quan hệ”2. “Cái lõi” của nó đã điệp với lịch sử, đã làm sáng thêm những  
“trang sử” bằng đá ở nhiều miền, nhiều vùng mà lâu nay, có nhiều người còn băn khoăn  
đi tìm nguồn lí giải. Cũng do vậy mà truyền thuyết đã trở thành đối tượng nghiên cứu  
của nhiều ngành khoa học khác nhau.  
Đề cập đến vấn đề này thực ra không phải là đơn giản. Bởi lẽ, động đến quan hệ  
là động đến sự phức tạp, sự chồng chéo, sự đan dệt và móc nối lẫn nhau của nhiều vấn  
đề. Lâu nay, công việc này đã được nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội lưu tâm đặt  
ra và bàn tới. Dĩ nhiên, vẫn còn nhiều nan giải, mập mờ và không khỏi có những kết  
luận mới chỉ dừng ở sự giả thuyết, chung chung và các ý kiến chưa hẳn đã gặp nhau ở  
chặng cuối cùng của chân lý khoa học. Đó cũng là một tất yếu, nếu không nói là những  
1 Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam  
2
Trong phần Hậu tự, tác giả của Lĩnh Nam chích quái đã nhận ra rằng: “Trong những việc cao siêu lạ  
lùng ấy (nội dung truyền thuyết - BQT) vẫn có Những điều quan hệ”. Xem Lĩnh Nam chích quái - Đinh  
Gia Khánh và Nguyễn Ngọc San phiên dịch, chú thích và giới thiệu, Nxb Văn học, Hà Nội, 1960, tr 97.  
76  
TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU  
quy luật của sự tìm tòi, phát hiện khi phương pháp và cung cách nhìn nhận, đánh giá  
còn đứng trên những quan điểm so lệch nhau. Với việc kết hợp các phương pháp nghiên  
cứu folklore học và phương pháp lịch sử - loại hình so sánh, qua mối quan hệ này,  
chúng ta có thể bước đầu đúc kết được một số kết luận hoặc đánh giá nhất định về một  
thể tài văn học, về sự ràng buộc, móc nối có tính tất yếu giữa truyền thuyết dân gian với  
lịch sử. Và từ đấy, sẽ thấy được những đặc trưng mang tính riêng biệt của một nguồn tư  
liệu vốn bị pha tạp hoặc bị che phủ từ lâu.  
Dân tộc ta có 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, làm ăn và đánh giặc, sản  
xuất và chiến đấu. Chiều dài của lịch sử cũng chính là khoảng thời gian cho nhân lên  
một dung lượng khổng lồ của nhiều nguồn truyện kể dân gian khác nhau mà lâu nay,  
chúng ta đã gọi nó với thuật ngữ khoa học chung là truyền thuyết (Soge). Đó cũng chính  
là một trong những thể loại văn học dân gian có độ tuổi sinh tồn dài nhất trong lịch sử  
văn hóa dân tộc3.  
Xem xét mối quan hệ truyền thuyết - lịch sử, theo nguyên tắc minh giải điển  
hình, có thể xử lý bằng một ví dụ tiêu biểu nhất.  
Đã có cả một hệ thống truyền thuyết về người anh hùng làng Gióng từ nhiều  
nghìn năm nay được lưu truyền ở dải đất rộng lớn vùng Trung châu Bắc Bộ và được  
quy tụ đặc sắc, sinh động trong hội Gióng dịp 9 - 4 âm lịch hằng năm4. Nhìn tạt sang  
chính sử sẽ thấy, nhiều bộ sử cũ thời phong kiến đã chép lại sự kiện chống ngoại xâm từ  
buổi đầu dựng nước và giữ nước trong truyền thuyết. Thế kỷ XV (1472 đời Hồng Đức)  
tiến sĩ Nguyễn Cố đã khá trung thành với dân gian và đưa truyện Thánh Gióng vào bản  
Hùng Vương ngọc phả. Tiếp đó là các cốt truyện được kể lại trong Lĩnh Nam chích quái  
của Vũ Quỳnh và Kiều Phú, Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên. Lâu nay, nhiều  
nhà nghiên cứu đã tìm hiểu và đi đến cho rằng Thánh Gióng ở đây là một nhân vật thần  
thoại. Trong khi đó thì khá nhiều tình tiết trong truyện đã được các nhà sử học, khảo cổ  
học, văn hóa học dân gian kết luận là có gắn với lịch sử. Hình ảnh ngựa sắt, áo giáp sắt,  
gậy sắt trong truyền thuyết đã bắt gặp những hồi ức câm lặng được đào lên từ lòng đất:  
nhiều di chỉ khảo cổ tìm thấy những hợp chất có chứa quặng sắt và đồ sắt trong tầng văn  
hóa. Tại gò Chiền Vậy, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều công cụ bằng sắt có niên đại  
C - 14 là 2.350 ± 100 năm cách ngày nay (tính từ 1950), tức khoảng 400 năm trước  
Công nguyên5. Như vậy, phải chăng thời gian mà truyền thuyết nói là “đời Hùng Vương  
thứ 6” muộn nhất cũng nằm vào khoảng thời gian này. Có thể nghĩ rằng, Thánh Gióng  
là một con người bằng xương bằng thịt, có đức có tài đã lãnh đạo tập thể nhân dân đứng  
3 Xem Bùi Quang Thanh, Về một thể loại văn học dân gian, Tạp chí Văn học, số 4 - 1979.  
4 Xem Cao Huy Đỉnh (1969), Người anh hùng làng Gióng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.  
5 Xem Hùng Vương dựng nước, tập 4, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1974, tr 200.  
77  
TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU  
lên đánh giặc, mở ra “một trang sử oanh liệt chống ngoại xâm trong đó nổi bật chiến  
công của con em người dân thường”6. Hoặc cũng có thể nghĩ rằng, Thánh Gióng là hiện  
thân cho những con người thật, vì nước hy sinh, được kỳ diệu hóa thành người anh hùng  
khổng lồ và được nhào nặn trong mối quan hệ giữa các nhân vật trong thần thoại.  
Cứ lần mạch giữa lịch sử và truyền thuyết sẽ thấy, nếu dùng một phép đối chiếu  
và so sánh thông thường, chúng ta cũng nhận thấy rằng có 4000 năm lịch sử thì cũng có  
4000 năm sinh tồn của truyện kể dân gian. Cùng với những trình độ khác nhau về nhận  
thức, tình cảm và nhu cầu thẩm mỹ, những con người làm ra lịch sử đã dần dần có những  
cảm nhận tự nhiên ghi nhận một cách trung thành bộ mặt của thời đại, bộ mặt của lịch sử  
xã hội theo cung cách suy nghĩ riêng của mình, và phải thấy rằng chỉ với một dân tộc có  
truyền thống văn hóa, có bản lĩnh văn hóa thì mới có được sự ghi nhận về lịch sử bền dai  
như thế. Mà ở đó: “Tư duy lịch sử và tư duy nghệ thuật, chân thực lịch sử và chân thực  
nghệ thuật” đã được “kết hợp một cách hài hòa, tự nhiên và bền vững”7.  
Trở lại quá khứ của dân tộc, các nguồn tư liệu đã cho phép khẳng định: Có một  
thời đại đã đậm đà trong truyền thuyết và nguyên hình trong lịch sử. Với nền văn minh  
đến độ nảy mầm, nhiều biểu hiện của văn hóa truyền thống cũng bắt đầu phôi thai và  
dần dần rạng rỡ. Rồi kéo suốt chiều dọc lịch sử, từ thời đại Hùng Vương đến thời đại  
Hồ Chí Minh, truyền thuyết dân gian ngày một nở rộ, ngày một phong phú và được  
nhân lên theo chiều dày của các hiện tượng trong lịch sử. Nếu bám theo cái trục là sự  
thật lịch sử, lấy truyền thuyết để minh giải, chúng ta sẽ nhận ra những hệ thống truyền  
thuyết tương xứng với từng giai đoạn lịch sử của dân tộc:  
- Truyền thuyết lịch sử về thời đại vua Hùng.  
- Truyền thuyết lịch sử về mười thế kỷ chống ngoại xâm phương Bắc.  
- Truyền thuyết lịch sử về năm thế kỷ xây dựng và bảo vệ quốc gia phong kiến  
độc lập.  
- Truyền thuyết lịch sử về giai đoạn cuối cùng (ba thế kỷ) của Nhà nước phong  
kiến Việt Nam.  
- Truyền thuyết lịch sử thời kỳ chống Pháp xâm lược (từ 1858 đến 1945).  
- Truyền thuyết lịch sử thời đại Hồ Chí Minh (1945 đến nay).  
Bằng các hệ thống truyền thuyết đó, đối sánh với lịch sử chúng ta sẽ ghi nhận  
được mối quan hệ như “thù tạc” rất tự nhiên, lâu bền, rắc rối và phức tạp giữa truyền  
6 Phạm Văn Đồng, Nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương, Báo Nhân dân số ra ngày 29 - 4 - 1969.  
7
Kiều Thu Hoạch, Truyền thuyết anh hùng trong thời kỳ phong kiến, in trong: Truyền thống anh hùng  
trong loại hình tự sự dân gian Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 1971, tr 190.  
78  
TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU  
thống dân gian và lịch sử dân tộc. Trong đó nổi bật lên những hệ thống truyền thuyết về  
người anh hùng chống ngoại xâm và người anh hùng văn hóa trong lịch sử8.  
Cũng từ mối quan hệ ấy, bước đầu, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét về đặc  
tính của thể tài này:  
1. Soi vào từng truyền thuyết đã được định hình trên trang giấy, người nghiên  
cứu sẽ nhận thấy tính lịch sử hiện lên rất độc đáo và sắc nét của truyền thuyết dân gian.  
Lấy lịch sử làm cội nguồn sinh nở, truyền thuyết ra đời đã nhạy bén “chụp” lấy một  
cách kịp thời bộ mặt chân thực của lịch sử theo cung cách ứng xử nghệ thuật riêng của  
con người đã làm ra nó. Nếu gạt đi tính lịch sử đậm đà trong truyền thuyết thì sự ghi  
nhận của chúng ta về những thời đại xa xưa sẽ nhiều lần bất lực. Mà nhất là đối với lịch  
sử đặc thù như dân tộc ta, chữ viết ra đời muộn màng, ngoại xâm luôn có ý đồ đồng  
hóa, chính sử sau này mới có thì tính lịch sử trong truyền thuyết lại cần phải đặc biệt coi  
trọng. Trong một chừng mực nhất định, nhiều khi: “Các truyền thuyết lịch sử thường là  
những nguồn tài liệu duy nhất cho phép có thể xác định được các giai đoạn lịch sử chủ  
yếu và một số sự kiện nào đó nữa”. Và có thể “nó còn là những bằng chứng duy nhất về  
sự tồn tại trước kia trong dân tộc một số những khái niệm và thiết chế xã hội mà chúng  
ta không thể nào xác định được với những nguồn tài liệu khác”9.  
Trở lại lịch sử thời đại Hùng Vương, chúng ta càng thấy rõ điều này. Bóng dáng  
của một hiện thực qua đi mấy nghìn năm rồi nhưng dường như truyền thuyết đã đảm  
đương vai trò thu nhận để xuyên qua lớp bụi mờ mịt của thời gian, kết hợp với các dấu  
vết của các nguồn văn hóa khác nhau, làm hiện lên dáng vóc kỳ vĩ của cả một thời đại  
trong buổi đầu dựng nước và giữ nước. Hầu như, mọi truyền thuyết lịch sử về quãng  
đường này đều là những tia hồi quang chân thực, trước khi tồn tại đến nay đã chiếu qua  
bề dày của tín ngưỡng, của một cảm quan nghệ thuật, một ý thức lịch sử và nhất là bề  
dày của sinh hoạt, hội làng rườm rà, phức tạp. Nó luôn “đi kèm theo một lịch sử cách  
khăng khít và đặc thù”. Nếu không ẩn chứa những chân thực lịch sử, chân thực nghệ  
thuật thì truyền thuyết dân gian khó lòng tồn tại, khó trở thành chỗ dựa vững chắc cho  
niềm tin sâu kín của nhiều loại phong tục, tín ngưỡng qua hàng loạt hội làng ở nhiều  
miền, nhiều vùng trên đất nước ta.  
Cũng phải thấy rằng: “cái lõi là sự thật của lịch sử” trong truyền thuyết của từng  
giai đoạn lịch sử càng ngày càng đậm nét dần, càng khởi sắc thêm theo tầm vươn tới  
của trình độ nhận thức, của ý thức lịch sử, ý thức dân tộc của quần chúng nhân dân. Để  
8 Xem Bùi Quang Thanh, Mối quan hệ lâu bền giữa truyền thuyết dân gian và lịch sử dân tộc, Thông báo  
dân tộc học - Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội, 1979, tập 2.  
9
V. K. Xêcôlôva, Văn học dân gian là một nguồn tư liệu lịch sử, Dân tộc học, Tài liệu dịch của Hoàng  
Ngọc Vinh, Phòng tư liệu Dân tộc học, 1973.  
79  
TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU  
rồi, đến một khi cái trình độ ấy, cái ý thức ấy đã già dặn, có đủ sắc cạnh thì “đôi cánh của  
sức tưởng tượng và nghệ thuật dân gian” càng mang nặng thêm những chất liệu đích thực  
của lịch sử trên mình, làm cho người đời khi kể truyền thuyết, khi nghe truyền thuyết cứ  
như kể và nghe về sự thật lịch sử với một lẽ tự nhiên và một lòng tin tưởng vậy.  
2. Cũng trong mối quan hệ như thù tạc ấy với lịch sử, truyền thuyết dân gian đã  
bộc lộ được tính hệ thống tính phong phú của quá trình nhào nặn cả về nội dung lẫn  
hình thức nghệ thuật. Dường như mỗi hệ thống truyền thuyết về một thời đại, về một  
thời kỳ là những tập sử liệu bằng nghệ thuật ngôn từ của quần chúng nhân dân. Tư liệu  
truyện kể về các cuộc khởi nghĩa, các anh hùng chống ngoại xâm, các anh hùng văn hóa  
ở từng miền, từng vùng là những minh chứng rõ nhất cho đặc tính này.  
3. Gối sống và liên tục, truyền thuyết sinh tồn với sức sống dẻo dai chính là biểu  
hiện rõ ràng nhất cho nghị lực của một dân tộc, sức mạnh và ý chí của một cộng đồng  
người vốn có truyền thống về mọi mặt từ xa xưa. Mang cốt cách hiện thực vững chắc và  
chất “lí tưởng” thẩm mỹ đậm đà, truyền thuyết dân gian liên tục được sản sinh, liên tục  
được lưu truyền, tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác,  
từ thời đại này qua thời đại khác, để chứng minh cho tính bền chặt, tính dẻo dai của một  
thể tài văn học dân gian đặc sắc và vô giá của dân tộc. Cạnh đó, nó còn đồng thời chứng  
minh cho bản lĩnh văn hóa, bản lĩnh tồn tại của người Việt, sức sống liên tục của một  
nguồn văn hóa dồi dào do trí tuệ của ngàn vạn lớp người lao động sáng tạo ra.  
4. Từ mối quan hệ như “hình với bóng” với lịch sử, truyền thuyết dân gian còn  
bộc lộ được tính chiến đấu, tính ngợi ca, tính phê phán trước sự thật lịch sử, thông qua  
những hình tượng nghệ thuật, những chân lý nghệ thuật. Có nhiều nhân vật lịch sử, hiện  
tượng lịch sử, qua cách nhận thức, đánh giá của quần chúng nhân dân, khi vào truyền  
thuyết lại được tô đẹp hơn nhiều, được soi xét rành rõ, nghiêm ngặt, và phần lớn là chân  
xác. Chính những yếu tố này đã góp phần tạo ra một ranh giới để các nhà nghiên cứu dễ  
nhận thấy được truyền thuyết lịch sử là một thể tài văn học dân gian chứ không phải là  
lịch sử. Lịch sử luôn luôn là những bản đề cương đích thực để từ đó người dân làm ra  
lịch sử sáng tạo nên các hệ thống truyện kể của riêng mình.  
5. Từ những nguyên mẫu lịch sử được lựa chọn để trở thành những nhân vật  
đóng vai trò trung tâm trong truyện kể, đối tượng quan tâm của truyền thuyết dân gian  
qua nhận thức và lòng ngưỡng vọng của người dân đã trở thành những hình tượng nghệ  
thuật, vừa có sự hấp dẫn của giá trị lịch sử, vừa tạo ra vẻ đẹp mang giá trị của biểu  
tượng nghệ thuật. Để từ đó, khi nhập vào sinh hoạt lễ hội hoặc tín ngưỡng, sức sống của  
các hình tượng - biểu tượng nghệ thuật - lịch sử đó đã được cộng đồng thực hành sáng  
tạo một cách sinh động theo cảm quan lịch sử và thẩm mỹ của tập thể người mình,  
thông qua những người thực hành vai diễn. Và trong môi trường văn hóa nhân văn do  
80  
TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU  
cộng đồng sáng tạo nên như vậy, truyền thuyết dân gian được tiếp nhận như một thứ  
lịch sử mang tính chân thực nhất theo cảm quan cộng đồng.  
Nhìn chung, với truyền thuyết dân gian, các đặc tính riêng biệt, độc đáo tiêu biểu  
này luôn móc nối hài hòa, đan dệt chặt chẽ và tự nhiên với nhau. Nó tạo ra một chuyện  
kể hoàn chỉnh hoặc một kịch bản cho lễ hội, và cũng dễ dàng làm nhịp cầu vô hình tạo  
ra sự gắn bó giữa truyền thuyết với lịch sử, truyền thuyết với các thể tài và loại hình văn  
hóa dân gian khác. Mà đặc biệt, nó tạo ra sự gắn bó mật thiết và bền vững giữa truyền  
thuyết dân gian với đời sống văn hóa và tâm lý cộng đồng của quần chúng nhân dân qua  
hàng loạt lễ hội, tín ngưỡng10. Nhiều khi, những lớp lang văn hóa - xã hội đó lại là “chất  
keo” tự nhiên ràng buộc mối quan hệ giữa truyền thuyết với lịch sử trong cầu trường  
văn hóa xã hội.  
Và đương nhiên, từ mối quan hệ lâu bền giữa truyền thuyết dân gian và lịch sử  
dân tộc, chúng ta có thể còn tìm thấy nhiều vấn đề nếu đứng từ những giác độ nghiên  
cứu khác nhau. Khoa học liên ngành sẽ giúp sức nhìn nhận toàn diện hơn về mối quan  
hệ truyền thuyết - lịch sử và sự tồn tại, vai trò, vị trí và giá trị của một thể tài văn học  
dân gian đã có độ tuổi 4000 trong lòng văn hóa dân tộc.  
Tài liệu tham khảo  
[1]. Phạm Văn Đồng (1969), Nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương, Báo Nhân dân, số ra  
ngày 29 - 4 - 1969.  
[2]. Cao Huy Đỉnh (1969), Người anh hùng làng Gióng, Nxb Khoa học Xã hội.  
[3]. Kiều Thu Hoạch (1971), Truyền thuyết anh hùng trong thời kỳ phong kiến, in  
trong: Truyền thống anh hùng trong loại hình tự sự dân gian Việt Nam, Nxb Khoa học  
Xã hội, Hà Nội.  
[4]. Hùng Vương dựng nước, tập 4, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1974.  
[5]. Đinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc San phiên dịch, chú thích và giới thiệu  
(1960), Lĩnh Nam chích quái, Nxb Văn học, Hà Nội.  
[6]. Bùi Quang Thanh (1979), Mối quan hệ lâu bền giữa truyền thuyết dân gian và lịch  
sử dân tộc, Thông báo Dân tộc học, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội, tập 2.  
[7]. Bùi Quang Thanh (1979), Về một thể loại văn học dân gian, Tạp chí Văn học,  
số 4 - 1979.  
[8]. V. K. Xêcôlôva (1973), Văn học dân gian là một nguồn tư liệu lịch sử, Dân tộc  
học, Tài liệu dịch của Hoàng Ngọc Vinh, Phòng tư liệu Dân tộc học.  
10 Tham khảo thêm: Bùi Quang Thanh, Truyền thuyết dân gian với tâm lý cộng đồng người Việt, Tạp chí  
Văn học, số 2 – 1982.  
81  
TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU  
LEGENDS AND HISTORY IN FOLKLORE RESEARCH  
Assoc. Prof. Dr. Bui Quang Thanh  
Abstract: In folklore research, clear distinction between legend and history  
often appears. We agree that legend and history are not the same, but somewhere unity  
and confusion are sometime unavoidable. Thereby, from theoretical and practical  
knowledge, clear distinction between legend and history must be done by researchers.  
What are the relationships between legend and history? What are the different things  
among objects, models and creative principles? Considering the relationship between  
legend and history in folklore research is to verify and explain special linkage between  
the two aspects.  
Keywords: Legend, folk literature, folklore, history, country…  
82  
pdf 7 trang yennguyen 21/04/2022 720
Bạn đang xem tài liệu "Truyền thuyết và lịch sử trong nghiên cứu văn hóa dân gian", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

File đính kèm:

  • pdftruyen_thuyet_va_lich_su_trong_nghien_cuu_van_hoa_dan_gian.pdf