Bài giảng Buồng trứng, noãn bào, phôi và thai - Bài: Giao tử ở loài người & Sự sản sinh giao tử

Tín chỉ Sản Phụ khoa 1  
Bài giảng trực tuyến  
Bài Team-Based Learning 4-1: Buồng trứng, noãn bào, phôi và thai  
Giao tử ở loài người. Sự sản sinh giao tử.  
Bài Team-Based Learning 4-1: Buồng trứng, noãn bào, phôi và thai  
Giao tử ở loài người.  
Sự sản sinh giao tử.  
Đỗ Thị Ngọc M1, Âu Nhựt Luân 2  
Mục tiêu bài giảng  
Sau khi học xong, sinh viên có khả năng:  
1. Trình bày được quá trình sản sinh noãn bào  
2. Trình bày được cấu trúc siêu hiển vi của noãn bào  
3. Trình bày được quá trình sản sinh tinh trùng  
4. Trình bày được cấu trúc siêu hiển vi của tinh trùng  
NOÃN BÀO  
Quá trình sản sinh noãn bào bắt đầu ngay từ thời kỳ bào thai.  
Trong thời kỳ sơ khai của buồng trứng, các noãn nguyên bào (oogonia) từ bên ngoài di chuyển đến buồng trứng và trú đóng ở đó.  
Khi đã đến buồng trứng, noãn nguyên bào thực hiện phân bào nguyên nhiễm để tự gia tăng về số lượng. Đến khoảng tuần thứ 8  
của thời kỳ phôi thai, số lượng các noãn nguyên bào đã đạt được đến 5x106. Đột nhiên, tiến trình phân chia nguyên nhiễm ở noãn  
nguyên bào bị ngưng lại. Tất cả mọi noãn nguyên bào đồng thời đi vào phân bào I của phân chia giảm nhiễm. Tuy nhiên, tiến trình  
của tiền kỳ của phân bào I giảm nhiễm diễn ra rất chậm chạp, với các thay đổi chủ yếu là ở nhân và thể nhiễm sắc. Đến giữa thai  
kỳ, đến lượt phân bào giảm nhiễm cũng bị ngưng trệ một cách đột ngột và đồng loạt ở mọi noãn nguyên bào. Các noãn nguyên  
bào chỉ tiếp tục tiến trình phân chia giảm nhiễm trở lại khi người phụ nữ bắt đầu đi vào tuổi sinh sản. Một lưu ý quan trọng là dù  
noãn bào được sử dụng để tạo giao tử ở bất cứ thời điểm nào thì tiến trình tạo giao tử vẫn đã bắt đầu từ thời kỳ phôi thai. Nói các  
khác, một noãn bào rời khỏi buồng trứng khi người nữ đã lớn tuổi thì nguy cơ noãn bào này có những thương tổn do “tuổi của  
noãn” xảy ra trên thoi vô sắc của bào phân giảm nhiễm càng cao, nguy cơ phân ly bất thường nhiễm sắc thể càng lớn, và nguy cơ  
lệch bội ở bào thai càng cao.  
Chỉ một số nhỏ noãn bào mới tham gia vào quá trình sinh giao tử cái.  
Khi đứa bé gái ra đời, trên mỗi buồng trứng có chứa khoảng 1x106 noãn nguyên bào với tiến trình phân chia giảm nhiễm bị đình  
trệ. Khi đến tuổi sinh sản, định kỳ một lần mỗi khoảng 30 ngày, ước chừng có 102 noãn nguyên bào nằm trong cấu trúc nang noãn  
nguyên thủy sẽ được chiêu mộ vào chu kỳ buồng trứng. Khi đó, các noãn nguyên bào thuộc về các nang noãn được chiêu mộ sẽ  
tiếp tục tiến trình phân chia giảm nhiễm. Sự phát triển và trưởng thành của noãn bào có mối quan hệ mật thiết với sự phát triển của  
các tế bào tùy hành lân cận, nhất là các tế bào hạt. Khi nang noãn sơ cấp, rồi thứ cấp bị thoái triển trong tiến trình chọn lọc noãn  
nang, sự phát triển của noãn bào bên trong cũng dừng lại. Cuối cùng, trong mỗi chu kỳ buồng trứng, chỉ có một noãn bào duy nhất  
đạt đến trưởng thành cuối cùng để trở thành giao tử cái. Sau đỉnh LH, noãn bào nhanh chóng hoàn thành các thì còn lại của bào  
phân giảm nhiễm. 18 giờ sau đỉnh LH, noãn bào hoàn thành phân bào I giảm nhiễm, sau đó bước ngay vào phân bào II. Ở thời  
điểm rời khỏi buồng trứng, noãn bào trưởng thành đang ở metaphase của phân bào II giảm nhiễm, cực cầu II vẫn chưa được tống  
xuất. Lúc này noãn bào được bao bọc bởi một số tế bào hạt tùy hành tạo thành cumulus oophora.  
Phần lớn các noãn bào sẽ chết theo chương trình.  
Như vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động sinh sản, người phụ nữ chỉ sử dụng chưa đến 1/10 số noãn bào dự trữ để tạo giao tử.  
Tuyệt đại đa số số noãn bào có trên buồng trứng sẽ đi vào cái chết chương trình (apoptosis). Chết chương trình là nguồn tiêu hao  
quan trọng nhất của dự trữ noãn bào tại buồng trứng, và hoàn toàn độc lập với hiện tượng chiêu mộ, chọn lọc và phóng noãn.  
Không có bất cứ can thiệp nào có thể làm thay đổi tiến độ chết chương trình được hoạch định sẵn cho noãn bào.  
Cumulus oophora đóng vai trò bảo vệ cho noãn bào và giúp tế bào được bắt bởi các tua của ống dẫn trứng.  
Bên ngoài cùng của phức bộ chứa noãn bào rời khỏi buồng trứng là các tế bào hạt. Những tế bào này được tách khỏi tế bào hạt  
khác của nang noãn de Graaf sau đỉnh LH. Các tế bào của cumulus oophora đảm nhiệm hai vai trò: (1) bảo vệ cho noãn bào ở bên  
trong, trước khi noãn bào được vòi trứng bắt giữ và tiếp xúc với tinh trùng, và (2) chế tiết các glycoprotein, làm cho cumulus trở  
thành một khối nhầy rất dính, được bắt giữ một cách dể dàng bởi tua của ống dẫn trứng.  
Zona pellucida chứa các protein đặc trưng để nhận diện loài.  
Vùng trong suốt (zona pellucida - ZP) nằm ngay dưới các tế bào hạt và bao bọc quanh noãn bào. ZP là một cấu trúc quan trọng  
của noãn bào. ZP được cấu tạo từ nhiều loại protein, trong đó có ZP3 là protein đặc trưng cho noãn của từng loài. Tinh trùng của  
loài nhận diện được trứng của loài nhờ vào ZP3, vì thế không có hiện tượng thụ tinh khác loài. Nếu không nhận diện dược ZP hay  
ZP bị lột bỏ, hiện tượng thụ tinh khác loài có thể xảy ra.  
1 Giảng viên, Bộ môn Phụ Sản Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. e-mail: dtnmy2003@yahoo.com  
2 Giảng viên, Bộ môn Phụ Sản Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. e-mail: aunhutluan@gmail.com  
© Bộ môn Phụ Sản, Khoa Y, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Tác giả giữ bản quyền  
1
Tín chỉ Sản Phụ khoa 1  
Bài giảng trực tuyến  
Bài Team-Based Learning 4-1: Buồng trứng, noãn bào, phôi và thai  
Giao tử ở loài người. Sự sản sinh giao tử.  
Zona pellucida có vai trò quan trọng để ngăn cản thụ tinh đa tinh trùng.  
Trước khi có tính trùng xâm nhập, ZP có cấu trúc dạng lưới xốp, dễ dàng cho tinh trùng xâm nhập. Ngay sau bị khi tinh trùng xâm  
nhập, noãn bào sẽ phóng thích ra một hoạt chất làm thay đổi cấu trúc của ZP, làm cho ZP bị đông cứng lại, ngăn không cho có  
thêm một tinh trùng khác xâm nhập. Đây là cơ chế ngăn chặn thụ tinh đa tinh trùng. Nếu vì một lý do nào đó, cơ chế đóng ZP sau  
khi tinh trùng xâm nhập bị trục trặc, thì noãn bào sẽ bị xâm nhập bởi nhiều tinh trùng một lúc và tạo ra các hợp tử đa bội.  
Zona pellucida có vai trò bảo vệ phôi thai và điều hòa dinh dưỡng cho phôi ở giai đoạn trước làm tổ.  
Trong những ngày đầu sau thụ tinh, khi đang được vận chuyển trong lòng ống dẫn trứng để vào đến buồng tử cung, phôi ở giai  
đoạn tiền làm tổ được bảo vệ bởi ZP. Mọi trao đổi chất với dịch ống dẫn trứng được thực hiện bằng thẩm thấu qua ZP.  
Màng bào tương noãn.  
Ngay bên dưới ZP là một khoảng trống, gọi là khoảng dưới ZP. Khoảng này không chứa bất cứ một cấu trúc nào khác ngoài cực  
cầu. Noãn bào nằm bên trong ZP. Màng bào tương noãn bào tiếp xúc với ZP thông qua khoảng trống dưới ZP. Trên màng bào  
tương của noãn bào, có chứa rất nhiều tiểu thể dưới màng (cortical granules) có chứa men lysosome. Các tiểu thể dưới màng này  
sẽ vỡ ra khi có sự xâm nhập của tinh trùng vào bào tương noãn, phóng thích các men vào khoảng dưới ZP, và làm đông đặc ZP.  
Màng bào tương sẽ được kích hoạt về phương diện hóa học sau khi có sự xâm nhập của tinh trùng.  
Noãn bào đang ở metaphase của phân bào thứ nhì trong phân bào giảm nhiễm.  
Sau đỉnh LH, noãn bào tiếp tục trở lại quá trình bào phân giảm nhiễm. Tuy nhiên, một lần nữa, quá trình này lại bị tạm dừng lại ở  
tiến kỳ (metaphase) của phân bào II giảm nhiễm. Lúc này, noãn bào đang có cấu trúc bộ nhiễm sắc thể là n kép, với các nhiễm sắc  
thể đang tập trung ở thoi vô sắc và sẵn sàng để phân ly về hai cực của thoi vô sắc để tống xuất cực cầu II. Tuy nhiên tiến trình chỉ  
có thể hoàn tất khi và chỉ khi noãn bào được xâm nhập bởi tinh trùng. Sự xâm nhập của tinh trùng là điều kiện cần để noãn bào có  
thể hoàn thành quá trình phân chia giảm nhiễm.  
TINH TRÙNG  
Quá trình sản sinh tinh trùng bắt đầu xảy ra ở tuổi dậy thì và tiếp diễn trong suốt cuộc đời người đàn ông  
Trong thời kỳ sơ khai của tinh hoàn, các tinh nguyên bào (spermatogonia) di chuyển đến tinh hoàn và trú đóng ở đó. Tại đó,  
chúng nằm cạnh các tế bào Sertoli, trên màng đáy của các ống sinh tinh, và duy trì ở trạng thái không hoạt động. Đến tuổi dậy thì,  
các tinh nguyên bào sẽ bắt đầu hoạt động sản sinh giao tử. Một số tinh nguyên bào sẽ phân chia nguyên nhiễm, để bảo tồn số  
lượng tế bào dòng tinh. Chỉ một phần trong số các tinh nguyên bào sẽ đi vào phân bào giảm nhiễm để tạo giao tử đực. Các tinh  
nguyên bào sẽ lần lượt trải qua các giai đoạn tinh bào I (primary spermatocyte) với 2n nhiễm sắc thể, tinh bào II (secondary  
spermatocyte) với n kép nhiễm sắc thể, tinh tử (spermatid) với n nhiễm sắc thể. Tinh tử tròn (round spermatid) sẽ được biệt hóa  
để trở thành tinh trùng. Hoạt động phân bào giảm nhiễm ở tinh nguyên bào rất mãnh liệt, nhằm thỏa mãn việc cung cấp nhiều triệu  
giao tử mỗi ngày. Do quá trình phân bào của tinh nguyên bào xảy ra ồ ạt nên tại tinh trùng dễ xảy ra các bất thường về cấu trúc  
hiển vi cũng như cấu trúc vật chất di truyền (DNA fragment). Ở người nam, do tiến trình tạo mới của tinh trùng là liên tục nên khi  
tinh trùng được thành hình và rời khỏi tinh hoàn thì nó luôn trẻ. Nguy cơ lệch bội ở bào thai không có mối liên hệ với tuổi của  
người cha.  
Mỗi chu kỳ sinh tinh dài khoảng 90 ngày. Tại mỗi thời điểm nhất định, chỉ một phần tinh hoàn tham gia quá trình sinh tinh.  
Hiên tượng sinh tinh không xảy ra một các đồng loạt trên tất cả mọi ống sinh tinh. Các ống sinh tinh có hoạt động lệch pha, đảm  
bảo cung cấp một cách liên tục tinh trùng trưởng thành. Tại một thời điểm cho trước, tiến trình sinh tinh chỉ bắt đầu tại một số ống  
sinh tinh. Tại một số ống sinh tinh, tiến trình sinh tinh đang diễn ra. Tại các ống sinh tinh còn lại, tiến trình ở trạng thái tạm nghỉ  
cho đến khi đến lượt tham gia vào chu trình luân phiên. Do hoạt động lệch pha, nên đặc điểm tế bào dòng tinh trong tinh dịch luôn  
biến đổi, tùy thuộc vào hoạt động của các ống sinh tinh.  
Tinh trùng trưởng thành về hình thái được vận chuyển từ mào tinh đến túi tinh, và đạt được trưởng thành về chức năng.  
Tinh trùng trưởng thành về hình thái nằm trong lòng ống sinh tinh, sẽ được vận chuyển đến hệ thống góp, rồi đến mào tinh và theo  
ống dẫn tinh (vas deferences) để đến dự trữ tại túi tinh. Tại tinh hoàn và mào tinh, tinh trùng chỉ mới trưởng thành về hình thái  
nhưng chưa đạt được sự trưởng thành về chức năng. Tinh trùng chỉ đạt được sự trưởng thành về chức năng trong quá trình được  
vận chuyển trong ống dẫn tinh.  
Tinh trùng có cấu tạo thích nghi cao độ với chức năng duy nhất của nó: vận chuyển chất liệu di truyền vào trong noãn bào  
Tế bào tinh trùng hầu như không có bào tương. Vật chất di truyền được tập trung một cách đậm đặc ở nhân, chiếm gần như toàn  
thể phần đầu của tinh trùng. Đầu tinh trùng có cấu tạo dạng khí động học thuôn dài, giúp tinh trùng di chuyển dễ dàng. Đầu tinh  
trùng được trang bị một chóp (acrosome), bên trong chứa các men hyaluronidase. Màng bao chóp là một cấu trúc không bền vững,  
sẽ bị phá hủy từng phần trong quá trình di chuyển và va chạm của tinh trùng với cấu trúc dạng lưới (matrix) của chất nhầy cổ tử  
cung hay bởi các hoạt chất trong đường sinh dục nữ. Sự phá vỡ này sẽ phóng thích hyaluronidase để giúp tinh trùng phá vỡ và  
xuyên thấu qua các màng bao noãn. Cổ tinh trùng là một vùng được tạo bởi các ty thể (mitochondria) chứa đầy năng lượng, được  
nạp sẵn trước đó trong quá trình sinh tinh. Đuôi tinh trùng được tạo bởi các bó sợi trục (axoneme), co rút được để tạo ra các  
chuyển động dạng sóng, giúp tinh trùng di chuyển được trong môi trường chất lỏng.  
© Bộ môn Phụ Sản, Khoa Y, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Tác giả giữ bản quyền  
2
Tín chỉ Sản Phụ khoa 1  
Bài giảng trực tuyến  
Bài Team-Based Learning 4-1: Buồng trứng, noãn bào, phôi và thai  
Giao tử ở loài người. Sự sản sinh giao tử.  
Hình 1: Tiến trình sản sinh noãn bào  
Tiến trình sản sinh noãn bào từ các noãn nguyên bào bắt đầu ngay từ thời kỳ bào thai.  
Thoạt tiên là phân chia nguyên nhiễm để đạt đến một số lượng noãn nguyên bào nhất  
định. Cũng trong thời kỳ bào thai, toàn bộ tiến trình này bị ngưng lại, và được tiếp  
nối ngay bằng tiền kỳ của phân bào I giảm nhiễm. Đến lượt phân bào I giảm nhiễm  
cũng bị ngưng lại cho đến khi nang noãn được chiêu mộ sau này.  
Khi được chiêu mộ, noãn bào tiếp tục trở lại phân bào I giảm nhiễm, cho đến khi  
nang thứ cấp trở thành nang de Graaf và E2 của nang này kích hoạt đỉnh LH.  
Sau đỉnh LH tiền phóng noãn, noãn bào tiến hành nhanh chóng các phần còn lại của  
phân bào I và II giảm nhiễm. Tuy nhiên, khi rời khỏi buồng trứng, noãn bào vẫn chưa  
hoàn thành phân bào II giảm nhiễm, mà vẫn còn ở metaphase của phân bào II.  
Chỉ khi nào noãn bào được xâm nhập bởi tinh trùng thì nó mới hoàn tất phân bào II  
giảm nhiễm, tống xuất cực cầu II và chính thức trở thành giao tử cái đơn bội.  
Hình 2: Tiến trình sản sinh tinh trùng  
Tiến trình sinh tinh bắt đầu và tiến hành một cách liên tục khi người nam đến tuổi  
sinh dục. Một số tinh nguyên bào chịu phân chia nguyên nhiễm để bảo tồn số lượng  
tế bào nguồn. Một số tế bào khác chịu phân chia giảm nhiễm để trở thành tinh bào I,  
tinh bào II và tinh tử tròn. Các tế bào ở giai đoạn xa của phân bào giảm nhiễm được  
đẩy về lòng của ống sinh tinh.  
Tinh tử tròn sẽ biệt hóa để trở thành tinh trùng, được đưa vào lòng ống sinh tinh và  
vận chuyển đến mào tinh, ống tinh với đích đến cuối cùng là túi tinh.  
Hình 3: Sự biệt hóa của tinh tử  
Biệt hóa của tinh tử tròn gồm sự chuyển biến bộ Golgi thành chóp đầu, di chuyển ty  
lạp thể về phần cổ và tiêu biến các phần thừa của bào tương.  
Các biệt hóa này chỉ là biến đổi về hình thái. Biệt hóa hình thái là để đảm bảo tinh  
trùng có thể hoàn thành chức năng vận chuyển chất liệu di truyền của nó.  
Về mặt di truyền, tinh tử tròn, do có cấu trúc nhiễm sắc thể đơn bội, đã đủ khả năng  
để thụ tinh cho noãn nếu nó xâm nhập được vào noãn.  
Hình 4: Cấu trúc của cumulus oophora  
Bên ngoài cùng của đám mây noãn là các tế bào hạt. Chúng có nhiệm vụ bảo vệ cấu trúc bên  
trong và gây dính, giúp cumulus oophora có thể được bắt giữ dễ dàng bởi các tua ống dẫn trứng  
sau khi nó rời khỏi buồng trứng để đi vào khoảng trống rộng lớn của phúc mạc.  
Dưới các tế bào hạt là vùng trong suốt (ZP). Protein ZP3 giúp cho tinh trùng nhận diện và bám vào  
bề mặt của ZP của noãn cùng loài. ZP ở loài người có cấu trúc thay đổi trước và sau thụ tinh,  
nhằm đảm bảo ngăn chận hiện tượng thụ tinh đa tinh trùng.  
Dưới ZP là một khoảng trống, trong đó chỉ chứa cực cầu. Cực cầu I là sản phẩm của phân bào I  
giảm nhiễm. Cực cầu II được tìm thấy sau khi noãn thụ tinh, hoàn thành phân bào II giảm nhiễm.  
Màng bào tương noãn được trang bị bởi các tiểu thể dưới màng, sẽ vỡ ra sau khi noãn được kích  
hoạt bởi sự xâm nhập của tinh trùng.  
Hình 5: Cấu trúc của tinh trùng  
Tinh trùng có cấu trúc thích nghi cao độ với chức năng vận chuyển chất liệu di truyền vào  
bên trong lòng của noãn bào. Đầu tinh trùng có hình dạng khí động học, chứa đậm đặc  
chất liệu di truyền, và không có bào tương. Chóp (acrosome) có cấu trúc không bền vững,  
chưa đầy hyaluronidase để giúp tinh trùng phá hủy và xuyên thấu các hàng rào bao noãn.  
Cổ tinh trùng được trang bị bởi rất nhiều ty lạp thể, chứa đầy ATP phục vụ cho nhu cầu  
năng lượng của tinh trùng mà nó sẽ cần đến trong quá trình di chuyển và xuyên thấu.  
Đuôi tinh trùng là bó sợi trục, tạo ra chuyển động dạng sóng, giúp tinh trùng di chuyển.  
© Bộ môn Phụ Sản, Khoa Y, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Tác giả giữ bản quyền  
3
Tín chỉ Sản Phụ khoa 1  
Bài giảng trực tuyến  
Bài Team-Based Learning 4-1: Buồng trứng, noãn bào, phôi và thai  
Giao tử ở loài người. Sự sản sinh giao tử.  
Câu hỏi vận dụng  
Hãy dùng các hiểu biết về sản sinh giao tử để giải thích các hiện tượng hay các ứng dụng sau:  
1. Vì sao nguy cơ lệch bội ở con lại tăng cao khi người phụ nữ mang thai khi đã lớn tuổi?  
2. Vì sao việc dùng thuốc tránh thai không làm cho người phụ nữ mãn kinh muộn hơn?  
3. Vì sao kích thích buồng trứng bằng gonadotropin nhiều lần không làm cho người phụ nữ mãn kinh sớm hơn?  
4. Vì sao khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, phải tìm sự hiện của cực cầu II sau khi noãn tiếp xúc với tinh trùng?  
5. Vì sao khi ngựa đực và lừa cái, là 2 cá thể khác loài, giao phối với nhau vẫn sinh được con la? Vì sao con la lại không có khả  
năng sinh sản?  
6. Vì sao khi tinh dịch đồ bất thường thì phải xét nghiệm tinh dịch đồ lại sau 3 tháng mà không được kết luận ngay?  
7. Nếu một cặp vợ chồng kiêng giao hợp thật lâu để tăng chất lượng tinh trùng thì liệu họ có được như ý không?  
8. Nếu cho tinh trùng từ tinh hoàn hay mào tinh hoàn tiếp xục với noãn bào thì có thể thu được sự thụ tinh hay không?  
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TÀI LIỆU ĐỌC THÊM  
1. Yen & Jaffe's reproductive endocrinology, 6th edition. Tác giả Jerome F. Strauss III và Robert L. Barbieri. Nhà xuất bản Saunders Elsevier 2010.  
© Bộ môn Phụ Sản, Khoa Y, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Tác giả giữ bản quyền  
4
pdf 4 trang yennguyen 14/04/2022 2720
Bạn đang xem tài liệu "Bài giảng Buồng trứng, noãn bào, phôi và thai - Bài: Giao tử ở loài người & Sự sản sinh giao tử", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

File đính kèm:

  • pdfbai_giang_buong_trung_noan_bao_phoi_va_thai_giao_tu_o_loai_n.pdf